Những thay đổi khí hậu theo mùa có thể ảnh hưởng đến những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và sự thật là không có mùa nào tối ưu cho bệnh nhân COPD. Các yếu tố liên quan đến thời tiết nóng quá và lạnh quá có thể làm trầm trọng thêm COPD và gây ra vấn đề cho những người sống chung với COPD.
Chúng ta biết rằng các điều kiện môi trường, kể cả ô nhiễm không khí ngoài trời và trong nhà, có thể góp phần gây ra COPD. Việc hít phải các hạt kích thích có thể kích thích các tuyến nhầy trong phế quản tạo ra nhiều chất nhầy hơn bình thường, dẫn đến sự sưng dày lên và viêm của các thành phế quản. Vấn đề ô nhiễm không khí cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến của đợt cấp COPD, trong đó đường hô hấp bị tắc nghẽn và các triệu chứng COPD đột nhiên trở nên tồi tệ hơn. Đợt cấp COPD có thể gây nhiễm trùng đường hô hấp và có nguy cơ cao nhập viện cao. Ngoài ô nhiễm không khí, những thay đổi về thời tiết và nhiệt độ không khí có thể kích hoạt hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng COPD. Cả hai loại hình không khí nóng và lạnh quá đều có thể gây ra rắc rối, vì mỗi loại thời tiết mang đến một cơ chế kích thích hô hấp riêng.
Mùa xuân và mùa hè – Thời tiết nóng
Các triệu chứng COPD có thể bùng phát vào những ngày có nhiệt độ và độ ẩm cao, một phần vì những điều kiện này thường đi kèm với nồng độ khói bụi cao. Bệnh nhân COPD nên cố gắng ở trong nhà trong môi trường máy lạnh vào những ngày nóng ẩm. Nhiệt độ cao có thể gây khó thở và kiệt sức khi cơ thể cố gắng đảm bảo hoạt động thở và duy trì nhiệt độ cơ thể bình thường. Không khí ấm cũng có thể làm cho đường hô hấp bị co lại, có thể gây ra chứng co thắt phế quản. Độ ẩm gây ra khó thở vì không khí ẩm có nhiều độ ẩm và ít oxy hơn, khiến cho hơi thở nặng và khó thở hơn. Không khí ẩm và nóng được đi kèm với các chất gây dị ứng phổ biến trong môi trường khí hậu ấm áp, làm phát khởi các đợt cấp ở bệnh nhân COPD gây ra khó thở hơn. Bất kỳ chất gây phản ứng dị ứng nào cũng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng COPD, do tiếp xúc với chất gây dị ứng thường làm viêm hẹp đường hô hấp và làm tăng sản xuất chất nhầy, khiến khó thở hơn. Nghiên cứu gần đây của Đại học Johns Hopkins, Hoa Kỳ phát hiện ra rằng bệnh nhân COPD có bệnh dị ứng có tần suất cao hơn của các triệu chứng hô hấp và có nguy cơ cao hơn đối với các đợt cấp COPD.
Cách ngăn ngừa các đợt cấp COPD trong mùa xuân và mùa hè
- Uống nhiều nước và chất lỏng: Trong những tháng mùa hè nóng bức, bạn nên tăng lượng nước uống bất kể mức độ hoạt động hoặc tình trạng khát nước của bạn. Nếu bạn không bù đắp cho sự mất nước này với lượng nước uống đủ, bạn có thể nhanh chóng bị mất nước
- Mặc quần áo và sử dụng kem chống nắng thích hợp: Nắng nóng làm cho cơ thể bạn trở nên khó khăn và áp lực hơn, vì vậy hãy dùng các thiết bị che nắng và kem chống nắng khi đi ra ngoài, ngay cả khi bạn không có kế hoạch ở dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp. Giữ mát bằng cách mặc quần áo nhẹ, màu sáng, lỏng lẻo.
- Lập kế hoạch cho các hoạt động của bạn một cách cẩn thận: Nếu bạn phải ra ngoài, hãy bố trí đi lại vào sáng sớm hoặc sau khi mặt trời lặn. Khi lái xe, đỗ xe trong khu vực râm mát và bố trí các thiết bị bảo vệ ánh sáng mặt trời trong xe của bạn.
- Giữ mát cơ thể: Nếu có thể, hãy ở trong nhà trong một tòa nhà máy lạnh. Tăng cường tắm mát để giảm nhiệt độ cơ thể. Tránh các hoạt động liên quan đến việc sử dụng thêm năng lượng.
- Tránh hoạt động quá mức: Bạn sẽ có khả năng chịu đựng được sức nóng nếu bạn tránh các hoạt động thể chất vất vả hoặc tập thể dục trong những ngày nắng nóng.
- Uống thuốc theo hướng dẫn: Nhớ uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu bạn có sử dụng oxy, hãy nói chuyện với bác sĩ về các yêu cầu oxy của bạn trong những tháng mùa hè nóng bức.
- Theo dõi dự báo thời tiết: Theo dõi dự báo thời tiết hàng ngày giúp bạn chuẩn bị với điều kiện thời tiết hiện tại.
Mùa thu và mùa đông – Thời tiết lạnh
- Các vấn đề dị ứng không chỉ giới hạn trong những tháng ấm áp. Khi thời tiết trở nên lạnh, mọi người kể cả bệnh nhân COPD thường dành nhiều thời gian hơn trong nhà, nơi có nhiều chất gây dị ứng mới hình thành trong các ngóc ngách nhà cửa có thể đang chờ họ. Dị ứng trong nhà thường gặp hay còn gọi là viêm mũi dị ứng do bụi bẩn, thảm bẩn, lông vật nuôi, nấm mốc, khói và nước hoa. Các chuyên gia cho rằng bệnh nhân COPD nên cố gắng loại bỏ phơi nhiễm và giảm các tình trạng thúc đẩy hình thành các chất gây dị ứng trong nhà. Cũng giống như trong những tháng mùa hè, nhiệt độ không khí cũng có thể ảnh hưởng đến các triệu chứng COPD vào mùa thu đông. Không khí lạnh và gió mạnh có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng COPD, bao gồm khó thở, ho và tăng tiết chất đờm nhầy. Không khí lạnh có thể gây khó thở và sức cản của gió đòi hỏi gắng sức hơn để di chuyển và hoạt động, cả hai đều có thể gây mệt mỏi. Các chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân COPD cố thở bằng mũi, che bằng khăn quàng hoặc mặt nạ vào những ngày lạnh sẽ giúp làm ấm không khí trước khi đi vào phổi. Thời tiết lạnh cũng mang lại nhiều nguy cơ mắc cảm lạnh và cúm, điều này có thể rất nguy hiểm cho bệnh nhân COPD. Nghiên cứu cho thấy nhiễm virus cúm và nhiều virus khác là nguyên nhân quan trọng phát sinh đợt cấp và tỷ lệ tử vong cao hơn ở COPD. Trong khi hệ thống hô hấp của bệnh nhân COPD đã có thương tổn và kém chức năng sẵn, cảm lạnh và cúm có thể nhanh chóng xâm nhập gây nhiễm trùng hô hấp. Vi khuẩn góp phần gây viêm phổi và thường có thể được tìm thấy trong phổi của bệnh nhân COPD ngay cả khi đang ổn định. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng có khoảng 29% bệnh nhân COPD giai đoạn ổn định và 54% bệnh nhân bị đợt cấp COPD có mức độ vi khuẩn đáng kể trong đường hô hấp. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhiễm virus liên quan 65% các đợt cấp COPD và có tần suất cao hơn trong mùa cúm. Với số liệu thống kê như trên, rõ ràng là các biện pháp phòng ngừa trong mùa lạnh và cúm là cực kỳ quan trọng đối với bệnh nhân COPD.
Cách ngăn ngừa các đợt cấp COPD trong mùa thu và mùa đông
- Duy trì điều trị COPD: Nếu quản lý tốt COPD mà bạn đang mắc, có nghĩa bạn phải duy trì điều trị một cách thường xuyên đúng theo hướng dẫn, nhất là trong những ngày lạnh của mùa đông, điều này có thể giúp tránh và giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của một đợt cấp, ngay cả khi bạn bị cảm lạnh hay cảm cúm.
- Tiêm phòng vắc xin cúm và viêm phổi: Hãy chắc chắn rằng bạn đã chích ngừa vắc xin cúm. Ngoài ra, tham khảo ý kiến bác sĩ về việc chích ngừa viêm phổi để giảm nguy cơ nhiễm trùng.
- Tránh người bệnh: Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Tránh xa các bệnh viện, nơi đông người tụ họp nhất là trong phòng kín thiếu thông khí.
- Rửa tay là biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả cao: Trước khi chạm tay vào mắt, mũi hay miệng phải chắc chắn rằng bạn đã rửa hoặc vệ sinh bàn tay một cách cẩn thận, đặc biệt là khi bạn đang ở một nơi công cộng. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.
- Giữ độ ẩm nơi ở trong mức an toàn: Mùa đông thường có độ ẩm trong không khí rất cao. Có thể giảm độ ẩm bằng máy hút ẩm hoặc tạo môi trường thông thoáng tùy từng điều kiện cụ thể của mỗi cá nhân và phòng bạn đang ở.
- Uống nhiều nước: Tốt nhất uống 6-8 ly nước lọc mỗi ngày. Dùng thêm súp nóng vào mùa đông cũng là một cách tốt để thêm nguồn chất lỏng cho cơ thể.
- Tránh khói và khói thuốc lá: Tốt nhất là nơi ở của người mắc COPD phải cách ly với nguồn khói, đặc biệt là khói thuốc lá, yếu tố quan trọng gây bùng nổ đợt cấp COPD, phải dứt khoát không có khói thuốc lá trong nhà và phòng ở riêng của người mắc COPD.
Tóm lại, thời tiết và thay đổi theo mùa có thể ảnh hưởng đến hình thành đợt cấp và biến chứng trầm trọng ở bệnh nhân COPD. Việc cung cấp thông tin sẽ giúp bệnh nhân COPD nắm và giúp ngăn chặn các đợt cấp và thúc đẩy tăng cường chất lượng cuộc sống là giải pháp tối ưu hiện nay.
TS.BS. Lê Thanh Hải – Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi
Bạn đang có những thắc mắc về bệnh hen suyễn, hen phế quản, Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)... hay bạn muốn biết thêm thông tin về sản phẩm Pulmasol, bạn có thể gọi về hotline 0888 083 899 (tư vấn miễn phí) hoặc để lại số điện thoại, các dược sĩ của chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn NGAY!